Mũi, họng “bị ốm” sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều tác nhân gây bệnh đi vào sâu bên trong gây viêm viêm phổi, viêm phế quản, viêm xoang… Do đó, Mộc Healthy chia sẻ đến bạn 5 cách bảo vệ cổ họng, sẽ giúp phòng các bệnh đường hô hấp ảnh hưởng sức khỏe, năng suất lao động.
1.Uống nhiều nước
Nước đóng vai trò quan trọng trong chuyển hóa, trao đổi chất của cơ thể và là thành phần không thể thiếu để hệ miễn dịch hoạt động. Nước còn giúp làm ẩm, loãng các chất nhầy và đờm bảo vệ mũi, họng và phổi.
Thời tiết lạnh và có độ ẩm cao vẫn gây mất nước và làm giảm phản xạ khát nước. Vì vậy, mọi người cần duy trì uống nước dù không cảm thấy khát, có thể dùng thêm nước ấm, nóng vừa đủ để giúp giữ ấm, làm dịu cổ họng và một số triệu chứng khô, rát mùa lạnh. Ngoài nước lọc, mọi người có thể bổ sung các loại thức uống dinh dưỡng như ngũ cốc, nước ép, trà gừng, mật ong…
2.Giữ ấm đầu, mặt, cổ
Không khí lạnh có thể làm kích ứng niêm mạc vùng mũi, gây khô chất nhầy, giảm khả năng bảo vệ, cản trở virus, vi khuẩn đi vào trong đường thở. Tình trạng dễ tăng nặng ở người mắc các bệnh nền như phổi tắc nghẽn mạn tính, hen suyễn và có hệ miễn dịch kém như trẻ nhỏ, người già, phụ nữ mang thai…
Để tránh kích ứng và nhiễm trùng vùng mũi, họng, mọi người nên đeo khẩu trang, giữ ấm, che chắn vùng đầu, mặt, cổ khi đi ra ngoài. Cách này giúp không khí được làm ấm trước khi đi vào mũi. Mọi người hạn chế tập thể dục ngoài trời lúc trời lạnh, không nên thở bằng đường miệng để tránh không khí lạnh đi vào họng phổi, gây co thắt phế quản, khó thở.
3.Thực phẩm giữ ấm
Chế độ dinh dưỡng đa dạng giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng cường sức đề kháng và giữ ấm trong mùa lạnh. Khi được nạp đủ chất, thân nhiệt tăng lên khiến cơ thể thoải mái, cổ họng ẩm hơn và chịu lạnh tốt hơn.
Một số thực phẩm được khuyến cáo gồm rau lá xanh; rau củ mùa đông như củ cải, cà rốt, súp lơ, bông cải xanh; trái cây có múi như quýt, cam, bưởi; thực phẩm chứa nhiều vitamin D như dầu olive, lòng đỏ trứng, sữa, thịt đỏ; các loại đậu như đậu xanh, đậu đỏ, đậu phộng…
4.Tiêm ngừa
Không khí lạnh kết hợp độ ẩm cao là môi trường thuận lợi cho vi sinh vật, nấm mốc sinh sôi, có thể tấn công hệ hô hấp, gây các triệu chứng nhẹ như ho, hắt hơi, sổ mũi hoặc viêm phổi, viêm phế quản… Trong đó, cúm, phế cầu, não mô cầu, sởi, bạch hầu, ho gà… có thể gây dịch và tăng cao khả năng biến chứng.
Vaccine ngừa tác nhân cúm, phế cầu, não mô cầu, sởi, bạch hầu, ho gà… sẽ giúp cơ thể chống lại bệnh khi được tiêm đúng, đủ lịch. Trong đó, vaccine có thành phần bạch hầu – ho gà – uốn ván tiêm cho người từ 2 tháng tuổi và tiêm nhắc mỗi 5-10 năm. Mũi ngừa cúm dùng cho trẻ từ 6 tháng tuổi và nhắc lại hàng năm. Loại ngừa sởi – quai bị – rubella dùng cho người từ 9 tháng tuổi, cần hai mũi. Vaccine não mô cầu nhóm B tiêm được cho trẻ từ 2 tháng tuổi đến 50 tuổi; loại ngừa não mô cầu nhóm ACYW dành cho người từ 6 tháng tuổi đến 55 tuổi. Mũi ngừa phế cầu tiêm từ 2 tháng tuổi, người từ 2 tuổi trở đi chỉ cần một mũi.
5.Súc miệng bằng nước muối
Các mầm bệnh trú và sinh sôi ở miệng dễ đi vào vùng cổ họng gây đau rát, viêm nhiễm. Vệ sinh răng miệng kết hợp súc miệng bằng nước muối là cách đơn giản, tiết kiệm để bảo vệ vùng cổ họng ngày lạnh.
Nước muối có tính sát khuẩn, giúp giảm triệu chứng viêm, sưng và các triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp. Nồng độ nước muối được khuyến cáo là 0,9%, có thể mua ở các cửa hàng, siêu thị. Mọi người vệ sinh và súc miệng 2-3 lần/ngày.
Trên đây là 5 cách bảo vệ cổ họng mà Mộc Healthy chia sẻ đến bạn, hãy thực hiện để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình nhé.
Để lại một bình luận